Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ khi có Luật Nhà ở năm 2014 đến nay đã có 750 trường hợp người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà tại Việt Nam.
750 người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam từ khi có Luật Nhà ở mới

Con số này nhiều gấp gần 6 lần so với 8 năm thực thi chính sách cũ theo Nghị quyết số 19/2008/QH11.

Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng lý giải, việc giao dịch của người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam chưa nhiều vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kinh tế của người nước ngoài, công việc tại Việt Nam, nhu cầu, vị trí, giá cả nhà ở,…

Trong một nhận định mới đây, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills TP.HCM cho biết, những sửa đổi trong Luật Nhà ở cho phép nguời nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được nhìn nhận là một chuyển biến khả quan trong chính sách. Từ đó tạo ra một nguồn cầu mới và hứa hẹn thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường bất động sản.

Hiện nay, về cơ bản, các thủ tục pháp lý về việc sở hữu bất động sản ở Việt Nam dành cho người nước ngoài đã nhận được phản hồi rất tích cực từ cả phía người bán lẫn người mua sau gần 3 năm triển khai. Theo quan sát của Savills chỉ riêng thị trường bất đông sản TP.HCM, trong vòng 2 năm qua đã có hàng ngàn giao dịch thành công với khách hàng là người nước ngoài. Riêng trong năm 2017 đã có rất nhiều dự án “chạm trần” sở hữu khách hàng nước ngoài.

Song ông Duy cũng cho biết thêm, dù nhiều khách nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bất động sản tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sau khi có Luật Nhà ở mới năm 2014. Nhưng số lượng sổ đỏ được cấp cho tổ chức và cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn tương đối thấp nếu so với sự quan tâm và nhu cầu của khách hàng.

“Người nước ngoài chưa nắm bắt rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam và ngược lại, công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều tạm gọi là những rào cản trong thời điểm này”, ông Duy nói.